Book
Growth, Structural Transformation, and Rural Change in Viet Nam (in Vietnamese)

A Rising Dragon on the Move

Giới thiệu

Việt Nam là một nước đông dân ở khu vực Đông Nam Á với lịch sử lâu đời và đặc trưng về kinh tế, chính trị và xã hội.2 Sau khi kết thúc chiến tranh với Hoa Kỳ năm 1975, Việt Nam đã có những tham vọng lớn về tương lai; song mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, Việt Nam thời gian đó vẫn nghèo. Một phần nguyên nhân là do bị cô lập trên trường quốc tế, cũng như các chính sách kế hoạch hóa tập trung; và kế hoạch 5 năm áp dụng từ năm 1976 đã bị thất bại hoàn toàn. Các chính sách kinh tế bắt đầu được thay đổi từ sau khủng hoảng kinh tế vào giữa những năm 1980s, và Việt Nam bắt đầu quá trình cải cách (Đổi Mới) từ năm 1986. Kể từ đó, hàng loạt những thay đổi thể chế quan trọng đã từng bước được thực hiện, trong đó chú trọng đến cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực và quyết định giá cả. Đáng chú ý hơn là sự chuyển dịch từ một nền kinh tế chỉ chủ yếu bao gồm khu vực nhà nước và tập thể sang nền kinh tế trong đó khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trong cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Một số chính sách mà Việt Nam áp dụng trong suốt ba thập kỉ vừa qua trong quá trình Đổi Mới có vẻ khá tương đồng với những nguyên lý “chính thống” của các chương trình ổn định hóa và tái cấu trúc mà Qu Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ thực hiện ở các nước đang phát triển những năm 1980 và 1990 (xem Tarp 1993). Tuy nhiên, cũng có rất nhiều những khác biệt quan trọng. Trước hết, Việt Nam thể hiện rõ ràng định hướng chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không theo đuổi tự do hóa triệt để ngay kinh tế trong nước và các giao dịch quốc tế.3 Do đó, Đảng Cộng sản và bộ máy nhà nước vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội (Newman, van den Broeck và Tarp 2014). Những ví dụ cụ thể là, chính phủ tiếp tục can thiệp sâu vào các thị trường nông nghiệp (Markussen, van den Broeck, và Tarp 2011), và chính sách công nghiệp chuyển dịch từng bước từ thay thế nhập khẩu sang khuyến khích xuất khẩu (Abbott và Tarp 2012). Tương tự, quá trình Đổi Mới cũng không ngay lập tức chú trọng vào tự do hóa thương mại và tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thay vào đó là các chính sách đầu tư công có trọng điểm, các chính sách mục tiêu và những cải cách thể chế được thực thi khá giống với các chính sách trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu của các nước Đông Á vào những năm 1970, như được chỉ ra bởi Abbott, Bentzen, và Tarp (2009). Thực tế, Việt Nam trở thành thành viên của WTO khá muộn, cách đây khoảng 10 năm, vào năm 2007.

Những kết quả đạt được về kinh tế xã hội của quá trình này khá ấn tượng, và nội dung xuyên suốt các chương trong cuốn sách này muốn chỉ ra rằng, có rất nhiều điều mà cộng đồng phát triển có thể học được từ Việt Nam trong việc thiết kế và thực hiện cải cách kinh tế và các chính sách phát triển một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, nội dung của chương này nhằm cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan về đặc điểm và tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam trong những thập kỉ gần đây, dựa trên các số liệu chính thống của quốc tế như Các chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators – WDI) của Ngân hàng thế giới. Để có thêm cái nhìn tương quan, Mục 1.1 và 1.3 của chương này sẽ so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Campuchia.4 Mục tiêu chính của chương là đặt ra bối cảnh chung cho các chương sau với nội dung tập trung chủ yếu vào hộ gia đình ở khu vực nông thôn Việt Nam. Phần 1.4 kết nối những bối cảnh kinh tế vĩ mô với những vấn đề kinh tế vi mô sẽ được đề cập đến ở các nghiên cứu trong cuốn sách này. Phần 1.5 liệt kê các bộ câu hỏi được sử dụng cho Điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình Việt nam (VARHS) được thực hiện hai năm một lần kể từ năm 2006. Phần 1.6 mô tả cấu trúc của cuốn sách này.